Sign In

Ngày 18/4, tại tỉnh Trà Vinh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức toạ đàm với chủ đề "Tổ chức khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã, tổ hợp tác trong triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" (gọi tắt là Đề án).

Ông Hoàng Văn Hồng (thứ hai từ phải qua), Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ với các đại biểu bên lề tọa đàm. Ảnh: Lê Hùng. 

Ông Hoàng Văn Hồng (thứ hai từ phải qua), Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ với các đại biểu bên lề tọa đàm. Ảnh: Lê Hùng. 

Lực lượng nòng cốt, mắt xích quan trọng

Theo ông Hoàng Tuyển Phương - Trưởng Phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết, hiện cả nước đã thành lập 5.167 tổ khuyến nông cộng đồng với hơn 47.000 thành viên tại 57 tỉnh, thành phố, trong đó 26 tổ thuộc phạm vi thí điểm của trung ương, còn lại do các địa phương chủ động thực hiện. Tổ khuyến nông cộng đồng với đặc thù "gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn" là lực lượng nòng cốt, mắt xích quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án.

Trong triển khai Đề án thời gian qua, lực lượng khuyến nông cộng đồng đã tham gia, phối hợp hướng dẫn người dân áp dụng các kỹ thuật như sạ cụm, sạ hàng, sạ bằng thiết bị bay không người lái, tưới ngập - khô xen kẽ, sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học...

Đồng thời, lực lượng khuyến nông cộng đồng còn tổ chức nâng cao năng lực quản lý cho các HTX, đồng hành cùng chính quyền xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, là cầu nối giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp trong ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Tại diễn đàn, ông Trần Văn Trung, đại diện HTX Nông nghiệp Phát Tài ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đề xuất thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và tỉnh Trà Vinh tiếp tục hỗ trợ HTX triển khai nhân rộng diện tích canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Lê Hùng.

Tại diễn đàn, ông Trần Văn Trung, đại diện HTX Nông nghiệp Phát Tài ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đề xuất thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và tỉnh Trà Vinh tiếp tục hỗ trợ HTX triển khai nhân rộng diện tích canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Lê Hùng.

Về vai trò HTX, tổ hợp tác (THT) tham gia Đề án, ông Phương cho biết năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã lựa chọn 7 HTX nông nghiệp điển hình tham gia mô hình thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp).

Với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị có liên quan, sự nỗ lực của HTX, các mô hình điểm đã cho năng suất cao hơn so với mô hình đối chứng trung bình khoảng 0,5 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm từ 10 - 15% so với mô hình đối chứng, từ đó giúp tăng lợi nhuận cho nông dân. Ngoài các mô hình điểm trên, nhiều địa phương ở ĐBSCL cũng chủ động triển khai Đề án theo quy mô cấp tỉnh và bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Một trong những vai trò quan trọng nữa của HTX là liên kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản, từ đó giảm thiểu rủi ro thị trường và tránh tình trạng bị ép giá. HTX cũng hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, gia tăng giá trị và khẳng định vị thế của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông cộng đồng, HTX

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, qua hơn 1 năm triển khai thí điểm, mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại một số địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Để có được kết quả này, có sự đóng góp rất lớn của tổ khuyến nông cộng đồng, HTX, THT.

"Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng, HTX, THT, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn. Đồng thời các địa phương cần quan tâm hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án", ông Hồng đề nghị.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thời gian tới, để triển khai Đề án hiệu quả, yếu tố then chốt là phải tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng, HTX, THT. Theo đó, phải đào tạo chuyên sâu về quy trình kỹ thuật canh tác giảm phát thải như sạ cụm, sạ hàng, tưới ngập - khô xen kẽ. Đồng thời, đào tạo kỹ năng quản lý chuỗi giá trị và kết nối thị trường, đảm bảo nông sản được tiêu thụ ổn định, từ đó tăng thu nhập cho nông dân.

Đại diện HTX Nông nghiệp Phước Hảo chia sẻ kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp với các đại biểu tham qua mô hình thí điểm tại HTX. Ảnh: Lê Hùng.

Đại diện HTX Nông nghiệp Phước Hảo chia sẻ kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp với các đại biểu tham qua mô hình thí điểm tại HTX. Ảnh: Lê Hùng.

Ngoài ra, để tạo động lực cho tổ khuyến nông cộng đồng, HTX, THT, cần có chính sách khuyến khích tham gia vào Đề án thông qua các hình thức hỗ trợ tài chính, ưu đãi tín dụng, khen thưởng cho các mô hình hoạt động tốt. Việc tạo ra các cơ chế huy động vốn từ nguồn ngân sách nhà nước và doanh nghiệp sẽ giúp đảm bảo nguồn lực bền vững cho hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng, HTX, THT.

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, chuyển đổi số là yếu tố quan trọng giúp tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát và phát triển chuỗi giá trị trong Đề án. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giám sát sản xuất lúa, từ việc sử dụng phần mềm quản lý hoạt động khuyến nông đến giám sát phát thải khí nhà kính sẽ giúp tổ khuyến nông cộng đồng, HTX, THT theo dõi và điều chỉnh quy trình sản xuất một cách chính xác.

Thông qua nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp kết nối nông sản đến thị trường tiêu thụ rộng hơn, đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị cho sản phẩm lúa chất lượng cao, thúc đẩy thực hiện tốt Đề án 1 triệu ha lúa, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.