Sign In

Các Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đưa ra giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp

11:15 02/04/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Khi diện tích đất nông nghiệp không thể mở rộng thêm, giải pháp duy nhất là gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

Tại cuộc họp đánh giá Kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp và môi trường (NN-MT) và tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) năm 2025 chiều 1/4, các Thứ trưởng NN-MT đã đề ra một số giải pháp hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 4% toàn ngành.

Trong đó, giá trị gia tăng của lĩnh vực nông nghiệp dự kiến đạt 3,85%, với mức tăng trưởng của ngành trồng trọt từ 2,4 - 2,9% và ngành chăn nuôi từ 5,7 - 5,98%. Lĩnh vực thủy sản được kỳ vọng tăng 4,35% và lâm nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 5,47%. Song song với mục tiêu tăng trưởng, ngành nông nghiệp hướng đến tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 65 tỷ USD, phấn đấu chạm mốc 70 tỷ USD.

Năng suất và quỹ đất sản xuất đều đạt ngưỡng

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung. Ảnh: Khương Trung.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung. Ảnh: Khương Trung.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số, đồng thời đảm bảo mức tăng 4% cho toàn ngành nông nghiệp, chúng ta đã và đang nỗ lực tối đa trong từng lĩnh vực sản xuất, từng nhóm hàng nông sản. Khi diện tích đất nông nghiệp không thể mở rộng thêm, giải pháp duy nhất là gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

Trong lĩnh vực trồng trọt, sản lượng lúa gạo đã đạt ngưỡng khoảng 43 triệu tấn/năm, với tổng diện tích canh tác chỉ còn 3,32 triệu ha. Để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, Bộ NN-MT đã triển khai chiến lược phát triển theo từng vùng sinh thái, đồng thời rà soát, chuyển đổi những diện tích canh tác kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Trong khi đó, rau màu và trái cây vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, thiết lập nhiều kỷ lục trong những năm gần đây. Các loại cây công nghiệp chủ lực phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cũng ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng đáng kể, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của ngành.

Nâng cao giá trị sản phẩm không chỉ nằm ở sản lượng mà còn ở việc đảm bảo chất lượng ổn định. Đầu năm 2025, một số mặt hàng gặp rào cản kỹ thuật do chưa đạt yêu cầu chất lượng, nhưng nhờ các giải pháp kịp thời, những mặt hàng này đã dần quay lại quỹ đạo xuất khẩu.

Và cũng ngay từ đầu năm, ngành trồng trọt đã xây dựng kế hoạch chi tiết, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Công tác phòng chống sâu bệnh được chú trọng nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Ngoài ra, ngành trồng trọt đẩy mạnh chế biến sâu, triển khai các giải pháp xử lý rào cản kỹ thuật một cách toàn diện.

Việc kiểm soát tốt các yếu tố này sẽ giúp ngành trồng trọt duy trì mức tăng trưởng từ 2,65% đến 2,9%, với điều kiện thời tiết không có quá nhiều bất lợi.

Bên cạnh đó, khơi thông nguồn lực, tháo gỡ các điểm nghẽn trong xuất khẩu sẽ giúp tránh tình trạng đình trệ, đảm bảo sản xuất ổn định và phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và cải cách hành chính là 3 trụ cột chính cho tăng trưởng nông nghiệp. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đâu sẽ là động lực mới và làm thế nào để tận dụng tốt nhất những yếu tố này nhằm tạo đột phá cho doanh nghiệp và nông dân?

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến. Ảnh: Khương Trung.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến. Ảnh: Khương Trung.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu, trong lĩnh vực chăn nuôi, cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống và đảm bảo tự chủ nguồn thức ăn chăn nuôi. Hai yếu tố then chốt này giúp nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, giảm thất thoát sau thu hoạch cũng là một vấn đề cần được quan tâm, góp phần tối ưu hóa chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp.

Triển vọng tăng trưởng 4% nông nghiệp - môi trường

Với ngành lâm nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, trong năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản cũng đã tăng kỷ lục, và năm 2025 sẽ tiếp tục phát triển dựa trên nền tảng này. Trong đó, một số vấn đề nổi bật của ngành lâm nghiệp cần làm rõ, thống kê cụ thể, bao gồm thu nhập từ gỗ củi và lợi ích của dịch vụ tín chỉ carbon rừng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị. Ảnh: Khương Trung.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị. Ảnh: Khương Trung.

Một trong những định hướng quan trọng của ngành là tăng cường trồng rừng gỗ lớn, đảm bảo năng suất và chất lượng gỗ.

Về xuất khẩu gỗ, ngành đặt mục tiêu đầy tham vọng. Trong 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024. Vụ Kế hoạch đã giao chỉ tiêu xuất khẩu gỗ đạt 8,5 tỷ USD, tạo đà quan trọng để ngành tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung.

Trao đổi về kết nối thị trường, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, vẫn còn nhiều địa phương ở ĐBSCL dè dặt trong việc đặt mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp ở mức 4%, dù có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Thứ trưởng Nam khẳng định, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng địa phương sẽ đạt con số 4%. Bởi nhiều địa phương chưa thống kê đầy đủ các sản phẩm thế mạnh, nên Bộ NN-MT cần rà soát, đánh giá các sản phẩm chủ lực, khuyến nghị địa phương đưa các mặt hàng đó vào kế hoạch tăng trưởng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam. Ảnh: Khương Trung.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam. Ảnh: Khương Trung.

“Trong quý I, ngành thủy sản và trái cây đã ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Đặc biệt, sầu riêng và sắn dự báo sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới, khi Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp kiểm dịch thực vật. Nếu xu hướng này duy trì trong cả bốn quý, hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng chung ấn tượng. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự nỗ lực mạnh mẽ từ các địa phương”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Vụ Kế hoạch - Tài chính chú trọng yếu tố an toàn thực phẩm trong Kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành NN-MT. Theo đó, Bộ NN-MT cần phối hợp chặt chẽ với hải quan nhằm kiểm soát tốt các cửa khẩu, hạn chế tình trạng hàng hóa lưu thông ngoài hệ thống chính ngạch.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng. Ảnh: Khương Trung.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng. Ảnh: Khương Trung.

Cuối cùng, Thứ trưởng Võ Văn Hưng nhấn mạnh, việc xây dựng cơ chế thông suốt không chỉ phục vụ mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025 mà còn tạo nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo. Nếu chỉ tập trung vào tăng số lượng, chúng ta sẽ sớm chạm đến giới hạn. Vì vậy, cần chuyển hướng sang nâng cao chất lượng, giá trị, đặc biệt là đẩy mạnh chế biến sâu và phát triển ngành giống.

“Nâng cao giá trị sản phẩm không chỉ nằm ở chất lượng mà còn ở cách kể câu chuyện văn hóa đằng sau mỗi loại nông sản. Song song đó, chúng ta cần đặt ra các giả thuyết và phương án ứng phó trong bối cảnh thay đổi hệ thống chính trị, thể chế và các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới”, Thứ trưởng Võ Văn Hưng khẳng định.

Quỳnh Chi - Khương Trung

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Gỡ khó nguồn vật liệu xây dựng các dự án giao thông trọng điểm

Gỡ khó nguồn vật liệu xây dựng các dự án giao thông trọng điểm

Luật Địa chất và Khoáng sản có hiệu lực từ 1/7/2025 sẽ giúp các địa phương khai thác triệt để, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, phục vụ các dự án trọng điểm.
Bắc Giang cần giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo đất đai

Bắc Giang cần giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo đất đai

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam: Giải pháp nào cho nông sản Việt?

Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam: Giải pháp nào cho nông sản Việt?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: 'Với mức thuế mới của Mỹ, nông sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, tuy nhiên phải dĩ bất biến, ứng vạn biến'.