Theo Kế hoạch 73/KH-UBND về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, thành phố sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong phát triển nông nghiệp bao gồm cả trí tuệ nhân tạo AI.
Theo đó, trên cơ sở hiện trạng và các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội sẽ tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển các cơ sở ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số theo từng lĩnh vực.
Trong sản xuất
Để hiện thực mục tiêu mỗi năm hình thành và phát triển mới ít nhất (10 – 20) mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong phát triển nông nghiệp, trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật: phát triển các mô hình chuyển giao công nghệ cao, công nghệ số trong chọn tạo, sản xuất giống cây trồng chất lượng cao, giống chống chịu sâu bệnh tốt, các giống cây thích nghi với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất của Thành phố và các tỉnh lân cận có nhu cầu; phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông minh trong canh tác, thu hoạch và sơ chế sản phẩm trồng trọt.
Trong llĩnh vực chăn nuôi: Thành phố xác định sẽ từng bước hình thành, phát triển các cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất và quản lý giống vật nuôi như công nghệ tế bào động vật trong chọn lọc giống vật nuôi (sản xuất tinh đông lạnh, tinh phân ly giới tính để cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò thịt; thụ tinh nhân tạo để chọn lọc, nuôi giữ gà Mía làm đàn hạt nhân...); nhập ngoại con giống chất lượng cao để phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn Thành phố.
Song song đó, phát triển các cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sốtrong chăm sóc, nuôi dưỡng, xử lý môi trường, quản lý dịch bệnh và thức ăn chăn nuôi (đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại cho chuồng trại; ứng dụng công nghệ eGAP, công nghệ IoT và công nghệ trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligence) trong chăn nuôi; ứng dụng công nghệ vi sinh thế hệ mới để thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi...).
Với lĩnh vực thủy sản: Xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng đồng bộ công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế tuần hoàn. Tập trung ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo, nhân giống thủy sản bằng công nghệ nano, công nghệ cấp oxy tự động, công nghệ cảnh báo môi trường và cho ăn tự động...; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, quản lý môi trường nuôi trồng thủy sản thương phẩm (công nghệ eGAP; trang thiết bị, máy móc, hệ thống tự động; hệ thống giám sát và cảnh báo môi trường nước thông minh kết hợp với năng lượng mặt trời; sử dụng các chế phẩm vi sinh...).
Đối với lĩnh vực sơ chế, chế biến, bảo quản và quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thuỷ sản: phát triển các cơ sở ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sơ chế, chế biến và bảo quản nông, lâm sản và thủy sản; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong quản lý các chuỗi nông, lâm, thủy sản (công nghệ chuỗi khối - blockchain) nhằm theo dõi luồng di chuyển của sản phẩm, minh bạch toàn bộ các công đoạn từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn); duy trì, phát triển các chuỗi liên kết thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Thành phố.
Trong sản xuất vật tư nông nghiệp, Tp Hà Nội sẽ hình thành, phát triển các cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ ứng dụng cao, công nghệ số trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Hà Nội phấn đấu phát triển ít nhất 30 HTX nông nghiệp đang sản xuất các sản phẩm OCOP thực hiện xây dựng và triển khai phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (ứng dụng công nghệ eGAP, bao gồm: cổng thông tin quản lý, giám sát, truy suất, minh bạch và kết nối thị trường nông sản VietNam eGap.vn; ứng dụng thời tiết thông minh (iMetos) và MobiAgri trong canh tác nông nghiệp thông minh...). Ảnh: Lâm Nguyễn
Trong công tác quản lý sản xuất nông nghiệp, Hà Nội ứng dụng công nghệ eGAP, viễn thám, công nghệ hàng không trong quản lý các vùng sản xuất trồng trọt và vùng nuôi trồng thủy sản.
Ứng dụng công nghệ sinh học để giám định các bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Từng bước thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ chuỗi khối, công nghệ điện toán đám mây trong công tác quản lý sản xuất, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tiến tới xây dựng hệ thống cảnh báo dự báo các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giữa người và động vật, cách phòng và điều trị bệnh mới phát sinh.
Ứng dụng công nghệ địa tin học để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực hệ thống dịch vụ khoa học kỹ thuật và cung ứng vật tư phục vụ cho sản xuất.
Khánh Anh