Sign In

Không thể giải quyết khủng hoảng khí hậu bằng cách tạo ra khủng hoảng lương thực

10:12 17/04/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Đây là thông điệp của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, kêu gọi sự hợp tác 'gieo mầm công nghệ' để đơm hoa, kết trái cho tương lai xanh của toàn nhân loại.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì phiên thảo luận cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ Hội nghị P4G. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì phiên thảo luận cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ Hội nghị P4G. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 17/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) Đỗ Đức Duy chủ trì phiên thảo luận cấp Bộ trưởng “Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm cho kỷ nguyên bền vững” trong khuôn khổ Hội nghị P4G.

Cách mạng Xanh 4.0 là tất yếu

Phát biểu chào mừng, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta đang đứng trước những thách thức chưa từng có: biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đa dạng sinh học suy giảm nhanh chóng, chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu đứt gãy do biến động địa chính trị và sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, an ninh lương thực bị đe dọa, và khoảng cách phát triển giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, những nhóm dễ bị tổn thương nhất - là nông dân nghèo, người tiêu dùng thu nhập thấp, thiên nhiên mong manh, lại đang gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Chúng ta không thể giải quyết khủng hoảng khí hậu bằng cách tạo ra khủng hoảng lương thực. Chúng ta không thể bảo vệ môi trường nếu bỏ quên những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Và chúng ta không thể đòi hỏi những quốc gia có thu nhập thấp gìn giữ tài nguyên môi trường bền vững, nếu thế giới không chia sẻ công bằng trách nhiệm và lợi ích.

Trong bối cảnh đó, "Cách mạng Xanh 4.0" không đơn thuần là một lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu, là một mệnh lệnh hành động. Đây là cuộc cách mạng mang theo kỳ vọng đổi mới toàn diện hệ thống lương thực thông qua ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học và các giải pháp đổi mới sáng tạo.

Cách mạng Xanh 4.0 không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn giảm tiêu hao tài nguyên, cắt giảm phát thải và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, và qua đó tạo tiền đề nâng cao sinh kế của người nông dân, tăng cường phúc lợi cho người tiêu dùng.

Theo đó, chủ đề “Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm cho kỷ nguyên bền vững” - nhấn mạnh vai trò sống còn của đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh và hợp tác đa bên, hợp tác công - tư trong kiến tạo tương lai bền vững, công bằng cho nhân loại.

Việt Nam thể hiện trách nhiệm quốc tế

Tại Việt Nam, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số; đóng góp 12% GDP quốc gia (số liệu năm 2024).

Từ một quốc gia xuất phát điểm thấp, từng phải đối mặt với đói nghèo và khủng hoảng lương thực, Việt Nam ngày nay đã vươn lên trong nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đưa các sản phẩm nông sản có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên hạn hẹp, ước tính chỉ có khoảng 10,3 triệu ha đất có thể sử dụng trong nông nghiệp, và nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kêu gọi quốc tế chung tay đảm bảo an ninh lương thực. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kêu gọi quốc tế chung tay đảm bảo an ninh lương thực. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: "Không thể có một nền nông nghiệp thịnh vượng nếu nguồn tài nguyên thiên nhiên tiếp tục bị đe dọa, nếu đất tiếp tục suy thoái, nếu khí hậu tiếp tục nóng lên".

Để giải quyết những thách thức đó, Bộ NN-MT đang từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, thông minh và bền vững, trong đó, chúng tôi xác định đổi mới sáng tạo, tập trung thực chất vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chuyển đổi số là cốt lõi để tạo ra đột phá cho ngành nông nghiệp.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Bộ trưởng đề cập đến “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” như điểm sáng về chuyển đổi xanh.

Tất cả đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, có trách nhiệm với thiên nhiên và con người cũng như phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

Hội nghị P4G: Không gian hợp tác, chia sẻ tri thức

Tuy nhiên, Bộ NN-MT cũng nhận thức sâu sắc rằng: không một quốc gia nào có thể đơn độc đi đến thành công trong hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực. Đây là một nỗ lực đòi hỏi sự chung tay hành động giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh trật tự thương mại toàn cầu đang có nguy cơ phân mảnh, khi những hàng rào thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên.

Hội nghị P4G mở ra không gian đối thoại, huy động nguồn lực và chia sẻ tri thức. Ảnh: Khương Trung.

Hội nghị P4G mở ra không gian đối thoại, huy động nguồn lực và chia sẻ tri thức. Ảnh: Khương Trung.

Việt Nam tin rằng, chỉ có hợp tác đa phương thực chất, trên nền tảng công bằng và tôn trọng lẫn nhau, mới giúp chúng ta cùng vượt qua những thách thức to lớn của an ninh lương thực, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, phát triển công bằng và bền vững cho mỗi quốc gia và trên quy mô toàn cầu.

Diễn đàn P4G - với vai trò là trung tâm kết nối là không gian lý tưởng để xây dựng các sáng kiến hợp tác chung, huy động nguồn lực và chia sẻ tri thức. Với tinh thần đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các đối tác chia sẻ các chủ đề thiết thực sau:

Thứ nhất, là các chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao năng suất, chất lượng và đặc biệt là giảm phát thải. Đây là hướng đi tất yếu để ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và đồng thời đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” mà nhiều quốc gia đang hướng tới.

Thứ hai, là vai trò của các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân trong việc chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực cho người làm nông nghiệp, đặc biệt là nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện giữa các bên là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hiệu quả và tính bền vững của các chương trình chuyển đổi.

Thứ ba, là việc chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình và thực tiễn tốt từ các quốc gia trong phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực và sinh kế cho người dân. Những kinh nghiệm quý báu sẽ góp phần làm giàu thêm tư duy và hành động chung của chúng ta.

Bộ trưởng tin tưởng, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, phiên thảo luận hôm nay sẽ tạo ra những bước tiến quan trọng, góp phần định hình một hệ thống lương thực toàn cầu bền vững, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng Xanh 4.0 và bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ hành tinh duy nhất của chúng ta mãi xanh cho các thế hệ tương lai.

Kết thúc bài phát biểu bằng câu hát nổi tiếng về cây lúa của Việt Nam: “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kêu gọi: Hãy cùng nhau gieo mầm công nghệ ngay từ thời điểm này, vun đắp hợp tác để đơm hoa, kết trái cho tương lai xanh của toàn nhân loại.

Quỳnh Chi - Tùng Đinh - Khương Trung

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Đắk Nông cần gấp rút giải phóng mặt bằng các dự án thủy lợi

Đắk Nông cần gấp rút giải phóng mặt bằng các dự án thủy lợi

Ngày 17/4, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã làm việc với tỉnh Đắk Nông về tình hình triển khai đầu tư xây dựng các dự án thủy lợi.
IFAD: Bộ Nông nghiệp và Môi trường có vị thế độc nhất để dẫn dắt quá trình chuyển đổi

IFAD: Bộ Nông nghiệp và Môi trường có vị thế độc nhất để dẫn dắt quá trình chuyển đổi

Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tự hào được sát cánh cùng Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong hành trình chuyển đổi xanh.

Việt Nam - Singapore hướng tới triển khai dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn

Việt Nam và Singapore đã sẵn sàng cho việc ký kết thực hiện Thỏa thuận Paris, hợp tác triển khai các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn 'hai bên cùng có lợi'.